Tháng 6, cùng với chói chang của nắng hạ, những đóa sen Tây Hồ lại dịu dàng khoe sắc trên đầm sen và theo bước chân các bà, các chị đến với mỗi gia đình.
Ngoài ra, vào những ngày hè nóng bức này các bạn cũng có thể làm cho gia đình và bạn bè những món kem mát lạnh và ngon miệng. Một số cách làm kem đơn giản mà các bạn có thể tham khảo đó là cách làm kem chuối ngon và cách làm kem dừa
Sen Tây Hồ mang vẻ đẹp thanh khiết với sự hội tụ tinh túy của đất trời Hà Thành. Những đóa sen phớt hồng vươn cao yêu kiều bên những phiến lá xanh ngăn ngắt, bồng bềnh trên sóng nước hồ Tây tựa như người con gái Hà Thành duyên dáng trong tà áo dài khiến tao nhân mặc khách lưu luyến. Đẹp là vậy, nhưng sen Tây Hồ không chỉ để ngắm mà còn trao tặng mọi người một món quà tao nhã không nơi nào có được, đó là trà sen Tây Hồ.
Nói đến trà sen Tây Hồ là nói đến sự cầu kỳ trong chế biến. Điều quý giá tạo nên giá trị của trà sen Tây Hồ, đó là chính là những bông sen ở đây bông to, khi nở bung cánh lớn. Đặc biệt có loại sen “bách diệp” nhiều lớp cánh màu phớt hồng, nhụy vàng thẫm, hương thơm ngát thường được dùng để ướp trà.
Sáng sớm, khi đứng trước đầm sen, nhắm mắt lại, ta cảm nhận được hương sen tinh khiết cứ nhẹ nhàng vương vấn khi gần, khi xa. Thấp thoáng trong đầm sen là người dân đang trút những cánh trà được từng bông sen ấp ủ suốt đêm qua. Theo kinh nghiệm, việc trút trà ra khỏi bông sen hoặc hái sen để ướp trà thường được thực hiện vào những thời khắc thanh nhẹ như sáng sớm và sẩm tối để tránh ánh nắng gay gắt của mùa hè làm ảnh hưởng tới hương sen. Khi tắt ánh mặt trời, người làm trà sen mang những cánh trà đã được sao kỹ, khẽ khàng tách búp sen hồng thả dần từng nhúm trà cho sen ngậm suốt đêm. Sáng tinh sương hôm sau, họ lại nhẹ nhàng nâng niu những cánh trà đã nhận được tinh túy của hương sen, của đất trời hồ Tây.
Ngoài cách ướp sống ngay trên đầm, những nghệ nhân làm trà sen còn hái những bông sen còn chúm chím ngậm sương từ sáng sớm, sau đó tách “gạo sen” ra khỏi nhụy hoa và dùng để ướp trà. Những búp trà đã được ướp trong cánh sen nhỏ trong 2 ngày rồi mới ướp với gạo sen. Mỗi cân trà được ướp với 2 lạng gạo sen cho 1 lần ướp. Vì hương sen chỉ thoang thoảng, muốn hương sen ngấm sâu vào trà, nghệ nhân phải làm theo trình tự rất kỹ lưỡng. Trà sau khi ướp xong lần thứ nhất, sấy khô rồi ướp tiếp lần sau, cứ như vậy sau 7 lần thì mới ra được trà thành phẩm. Nghệ thuật ướp trà sen là niềm tự hào của người dân Tây Hồ, Hà Nội. Trà sen thật có vị thơm thanh nhẹ, đượm nước, dù uống đến khi trà nhạt nhưng hương sen vẫn còn. Nếu trà được ướp bằng hương liệu, những chén đầu tiên có hương rất nồng, chỉ đến ấm thứ hai đã nhạt, không còn hương vị.
Còn gì tao nhã hơn, khi sáng sớm mùa hạ, bạn cùng với người tri kỷ, nâng chén trà sen giữa đất trời hồ Tây vương vấn hương sen. Nhấp một ngụm trà thơm, nhấm nháp vài miếng bánh chả, kẹo lạc, trải tầm mắt trên những đầm sen xanh mát, bạn sẽ thấy tình yêu Hà Nội trong bạn, trong tôi còn mãi với thời gian…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét